TRỐNG MÀ KHÔNG RỖNG?

Những khoảng trống xung quanh một khu đô thị hay trong một khu nhà ở luôn có một vai trò hết sức cần thiết, trở thành khoảng hít thở mang tính sống còn giúp người ta nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian làm việc mệt nhọc. Từ quy hoạch đến kiến trúc, nội thất hay cảnh quan, suy cho cùng đều phải hướng đến mục tiêu tạo ra khoảng trống hữu ích, xử lý khoảng trống và tận hưởng những tiện ích về môi trường do những khoảng trống mang lại.

Có đôi khi mình thường chia sẻ với khách hàng rằng đôi lúc mình không nhất thiết phải “chăm chăm” vào m2, phải tận dụng tối đa mọi không gian mà hãy để lại những khoảng trống hợp lý, những điểm “nghỉ” góp phần tạo nên không gian sống đầy thú vị.

Thông thường thì người ta hay quan tâm đến việc tận hưởng những tiện nghi trong nhà chứ ít ai nói đến việc tận hưởng khoảng trống bao giờ?

Ludwig Mies van der Rohe, một trong những bậc thầy của kiến trúc hiện đại, luôn xem trọng khoảng trống trong kiến trúc với châm ngôn “Less is more”. Khi có thêm khoảng trống, bất kể không gian nhỏ hay to, chúng đều sẽ đem đến cho bạn cảm giác thư thái.

Nếu ví nội thất là cái hồn của cả căn nhà bởi nó kiến tạo những giá trị thẩm mỹ và đặc trưng riêng thì khoảng trống hay còn gọi là “không gian âm” lại tạo ra khoảng thở, một điểm tĩnh trong thế giới động, cân bằng tổng thể căn nhà, một thế giới sống thu nhỏ trong mỗi gia đình. Hãy để các khoảng trống thật sự trở nên hữu ích và thể hiện đúng giá trị nghệ thuật.

Cân bằng âm dương trong môi trường sống suy cho cùng không ở đâu cao siêu vô hình, mà chính nằm ở cách phân bố đặc rỗng, chính phụ một cách hợp lý. Hết phòng ra sân, hết sân vào nhà, nắng chiếu mưa sa ắt có hàng hiên, bụi bặm oi bức phải nhờ giếng trời, ngôi nhà truyền thống không có nhiều điều kiện kỹ thuật cao cấp nhưng đã khéo nương tựa thiên nhiên, tạo ra các khoảng đệm, khoảng trống có tính chất đóng mở hợp lý, chuyển tiếp hợp tình, tạo sự cân bằng trong không gian sống của bạn.

/svg>